Tên gọi khác:
- Hàm đậu xị, Hương xị
Tên khoa học:
- Sojae praeparatum.
Mô tả dược liệu:
- Đạm đậu xị được chế biến theo hai cách:
- Cách 1: Đem đậu đen ngâm vào nước 1 đêm, lấy ra phơi khô se, đồ chín rồi đổ ra nia, lấy lá chuối khô đậy lên, ủ 3 ngày 3 đêm đến khi có lớp mốc màu vàng thì đem phơi khô. Tiếp tục ủ lần 2 bằng cách rưới nước vào cho ẩm, ủ như trên đến khi thấy mốc vàng, phơi khô. Và tiếp tục làm như vậy từ 5-7 lần. Sau đó đem đồ cách thủy đến chín rồi phơi khô.
- Cách 2: Đậu đen ngâm với nước muối 2 ngày, 2 đêm. Cứ 1 kg đậu đen dùng 1 lít nước và 250g muối ăn. Vớt ra, đồ đến chín, sau đó đem đậu tẩm hết dịch nước muối ở trên. Tiếp tục giai đoạn ủ bằng cách rải đậu ra nia, đậy lá chuối khô 3 ngày 3 đêm cho đến khi thấy lớp mốc vàng thì trộn đều. Làm như vậy 9 ngày đêm, rồi phơi hay sấy đến khô kiệt.
Tính vị:
- Vị đắng, cay, tính mát,
Quy kinh:
- Vào kinh Phế, Vị
Công năng:
- Giải biểu, trừ phiền, tuyên phát tà nhiệt.
Chủ trị:
- Trị chứng ra nhiều mồ hôi sau khi nôn nhiều, dẫn đến người buồn bực, vật vã, mất ngủ: đậu xị 20g, chi tử 14 quả, sắc uống.
- Trị ho, hen, khí suyễn lâu ngày, mất ngủ: đậu xị 45g tán mịn, thần sa 4,5g (thủy phi) lấy bột mịn, bào chế thành viên hoàn, uống trong 2-3 ngày, mỗi ngày 2-3 lần.
- Thanh nhiệt giải độc, trị mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng: đậu xị, cam thảo mỗi vị 20g; kim ngân hoa, liên kiều mỗi vị 40g; kinh giới tuệ, đạm trúc diệp mỗi vị 16g; bạc hà, cát cánh, ngưu bàng tử, mỗi vị 12g, sắc uống, ngày 1 thang, uống nhiều thang tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Bảo quản:
- Dễ mốc mọt, để nơi khô ráo, đậy kín. Mùa mưa chú ý phơi sấy.